SMS marketing

SMS marketing

SMS marketing:Công cụ lừa đảo người dùng hay phương pháp marketing hiệu quả

Trong thời đại di động ngày nay, có thẻ nói chiếc điện thoại di động là vật không thể thiếu của bất cứ người nào trong xã hội, và đó chính là điều kiện cực tốt để một hình thức Marketing mới ra đời - SMS Marketing

SMS marketing là một phần nhỏ của Mobile marketing, một hình thức tiếp thị không mới nhưng không cũ. Nói như vậy là vì trên thế giới Mobile marketing đã có chỗ đứng từ lâu, được đánh giá là có nhiều tiềm năng trong việc quảng bá hình ảnh và sản phẩm tới khách hàng, nhưng đối với doanh nghiệp Việt và với người dùng Việt Nam, thì mô hình này lại khá mới, chưa có ai thực sự quan tâm đúng mức và mặn mà với việc phát triển hệ thống Marketing trên các phương tiện di động. Chính vì chưa được quan tâm tìm hiểu đúng mức, nên Mobile Marketing nói chung vàSMS marketing nói riêng ở Việt Nam hiện đang phải đối mặt với rất nhiều hiểu lầm tai hại.



1. Hiện trạng thực tế:
Hiện tại hình thức tiếp thị qua di động ở Việt Nam chủ yếu vẫn ở dạng quảng cáo qua tin nhắn (SMS Marketing), nếu không muốn nói rằng thực ra nhận thức của người Việt Nam về SMS Marketing còn tệ hại hơn nhiều, phần đa là mọi người nghĩ đó là những trò lừa gạt, spam bằng tin nhắn rác… nó đem lại ác cảm cho người dùng, cho các marketer khi nhắc đến SMS Marketing.

Trong nhận thức của người dùng Việt Nam, quảng cáo nói chung là nói láo. Có câu “nhà báo nói láo ăn tiền”, mà quảng cáo thì quá quen thuộc với việc xuất hiện trên báo chí truyền hình. Thế nên nhìn chung người dùng phải “nhận” quảng cáo là đã ít được “khoái” rồi, dù là trên các trang quảng cáo trên báo hay phim quảng cáo xen giữa các đoạn phim truyền hình. Dạng quảng cáo quen thuộc và lâu đời thế mà còn bị ghét, nói gì là quảng cáo qua tin nhắn. Tưởng tượng đang nửa đêm hay tờ mờ sáng, khi đang trong toilet hay khi đang đợi một tin nhắn quan trọng thì điện thoại reng lên, vội vã bật dậy khỏi giường hay chui ra khỏi toilet bốc máy đọc thì té ra là tin quảng cáo, thế thì có điên người không, thế thì có đáng xếp vào tin nhắn rác không cơ chứ.
Không thể trách người dùng, vậy trách ai?

2. Phân tích:

a. Chọn nguồn dữ liệu sai lầm:
Lợi dụng chính sách khuyến mãi của nhà mạng, các doanh nghiệp tìm đến các nhà cung cấp dịch vụ quảng bá qua tin nhắn, nơi mà họ tích trữ, “nuôi” thật nhiều sim khuyến mãi được nạp nhiều tiền từ các đợt khuyến mãi thẻ nạp. Tính bình quân ra có khi mỗi tin nhắn quảng cáo chỉ vài chục đồng, chi phí bình quân khá rẻ, lại có thể kiểm soát ngân sách nên không ít người chọn kênh này để quảng bá.

Khốn nỗi, sim khuyến mãi còn được gọi là sim “rác”, dùng 1 lần rồi thôi. Và khi dùng sim khuyến mãi lại còn được khuyến mãi thêm 1 đống tin nhắn quảng cáo, thì người sử dụng còn ngại ngần gì mà không đánh đồng luôn “sim rác” và “tin nhắn rác”. Về lâu về dài điều này sẽ trở thành định kiến xấu, và cái định kiến là thứ ảnh hưởng đặc biệt xấu đến công việc của marketer khi mà thói quen của khách hàng Việt luôn là một bức tường thành khó phá.

b. Ưu điểm thành khuyết điểm:
Xem tivi có quảng cáo, người ta có thể chuyển sang kênh khác, đọc báo có trang quảng cáo người ta có thể vò lại bỏ ra đường, nhưng chẳng ai thấy điện thoại báo có tin nhắn mà làm lơ không đọc. Đấy chính là lợi thế tuyệt đối của MS marketing.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp khi triển khai mô hình này, chỉ nghĩ tới cái lợi trước mắt là “đẩy” tin về phía người dùng, không nghĩ tới cái lợi lâu dài và là mục đích cuối cùng của marketing là khiến người dùng quan tâm đến sản phẩm. Khi đã làm khách hàng chịu đọc tin nhắn, thì bước kế là trong tin nhắn phải có những thứ gì khiến khách hàng quan tâm. Đầu tiên là tên thương hiệu quen thuộc, rồi nội dung tin hấp dẫn và hướng trực tiếp đến người nhận. Hầu hết không ai làm được điều này (trừ tin nhắn thông báo khuyến mãi của chính các nhà mạng).

Nhìn từ quan điểm của người nhận, họ bốc máy lên xem tin, thấy một đầu số lạ, một thương hiệu lạ, nội dung chẳng liên quan, mấy người không cảm thấy ngần ngại rằng đang bị “dụ” tham gia 1 chương trình ẢO của một công ty ẢO để đổi lấy những giá trị ẢO và có khả năng bị mất tiền THẬT? Nên nhớ, chúng ta đang sống trong một thế giới đầy hoài nghi đấy. Một khi đã bị hoài nghi, rất khó để có thể lấy lại lòng tin.

c. Quảng cáo không hướng người dùng:
Thật dở hơi khi lên Sapa mời chào một ông trọc phú mua 1 chiếc Porche thể mui trần 2 cửa, mời món đấy có tiền họ cũng không mua, trừ khi là mua rồi đắp chăn trong 1 garage ở Hà Nội. Vì sao? Đơn giản là ở Sapa đồi núi làm sao chạy được xe hơi thể thao. Chào hàng sai đối tượng chính là sai lầm kinh điển của giới làm SMS marketing hiện nay.

Tin nhắn được gởi đại trà với nguồn dữ liệu người dùng là những đầu số điện thoại thu thập được, chẳng quan tâm tới người nhận là ai, họ cần gì. SMS marketing chỉ thực sự hiệu quả khi dữ liệu thu được là có định hướng. Điều này nói ra có vẻ dễ nhưng thực ra thì rất khó, đấy chính là điểm yếu cơ bản của SMS Marketing. Có chăng ở Việt Nam thì chỉ có các nhà cung cấp dịch vụ là đủ khả năng kiểm soát luồng người dùng mà thôi.

d. Dân trí thấp:
Nãy giờ trong quá trình phân tích tôi toàn có khuynh hướng đẩy lỗi lầm về phía doanh nghiệp khi góp phần tạo ấn tượng xấu về dịch vụ SMS với người dùng. Nhưng đấy chỉ là “góp phần”, còn người tự tạo định kiến là ở chính người dùng. Điện thoại di động tuy có mặt ở Việt Nam đã lâu, và hiện nay đã rất phổ biến, nhiều gia đình thậm chí không trang bị điện thoại bàn mà mỗi thành viên từ lóc nhóc tới ông bà đều dùng điện thoại di động để liên lạc. Khổ 1 cái nghe gọi thì đơn giản, nhưng để nhắn được cái tin SMS với nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi và dân nông thôn thì nhắn tin SMS không hề dễ dàng, thế nên mới có nhiều chuyện dở khóc dở cười.

Ví dụ: Quảng cáo ghi “Các bạn hãy nhắn tin tới số 9999 với cú pháp “LK X Y” trong đó MO là kí hiệu của Marketing Online, X là……, Y là……….để nhận nhiều phần quà giá trị”, thế là người dùng hồn nhiên gởi tin y hệt “LK X Y” không có thay đổi các tham số gì, hay có người khác biết thay các thông tin vào thì nhắn luôn cả cái dấu ngoặc kép mới chết. Lẽ dĩ nhiên là tin nhắn sai cú pháp, tổng đài hồn nhiên trừ tiền rồi hồn nhiên gởi thông báo sai cú pháp, người dùng hồn nhiên mất tiền nên cũng hồn nhiên chửi. Cứ vài trường hợp thế thì dịch vụ đấy được vào sổ đen ngay.

Dân trí thấp không chỉ thể hiện ở việc không biết sử dụng SMS, nó còn thể hiện ở việc người dùng thực sự bị lừa nữa. Những tin nhắn gởi tới từ những đầu số cá nhân nói những thứ như “bạn đã trúng thưởng của công ty ABC món tiền là XYZ do công ty chọn ngẫu nhiên, hãy nhắn tin tới số DEFG để xác nhận” khi bạn chẳng hề biết đấy là công ty nào, hay là “có người bí mật tặng nhạc chuông, hãy nhắn tin tới số ABCD để tải về” đủ kiểu, rồi cứ thế mà nhắn rồi mất toi 15000VND, thế là chửi, là định kiến…Trong khi nếu suy nghĩ kĩ thì chẳng tổng đài nào nhắn tin bằng số cá nhân, và nếu có người tặng thì người tặng đã trả tiền rồi, sao phải nhắn nữa, và sao mình không biết công ty đấy mà công ty đấy chọn mình trúng thưởng…

Còn nhiều lắm những lỗi lầm từ người dùng cũng như từ nhà cung cấp dịch vụ tạo tiếng xấu cho dịch vụ SMS, phải nói là có quá nhiều yếu tố tác động đến làm cho dịch vụ SMS trở nên ám ảnh bởi chữ “spam, lừa gạt” trong tâm trí người tiêu dùng Việt Nam. Còn rất nhiều thứ phải làm, phải sửa đổi để có thể phát triển được Mobile Marketing tại Việt Nam, còn cụ thể đó là làm những gì, thì hẹn bạn đọc trong bài viết sau nhé.

 Theo socialmarketing.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét