Giới thiệu thị trường Bangladesh

Giới thiệu thị trường Bangladesh



Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á xin giới thiệu một số thông tin cơ bản về thị trường Bangladesh cũng như quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam-Bangladesh.



Xem thông tin chi tiết:

BỘ CÔNG THƯƠNG

VỤ THỊ TRƯỜNG CHÂU PHI – TÂY Á – NAM Á



TÀI LIỆU CƠ BẢN

NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN BĂNG-LA- DET



A.THÔNG TIN VỀ BĂNG-LA-ĐÉT

I. Khái quát

· Tên nước : Cộng hoà nhân dân Băng-la-đét

· Thủ đô : Đắc-ca ( Dhaka)

· Địa lý : : Nằm ở phía Đông Bắc của tiểu lục địa Ấn Độ, phía Tây, phía Bắc và phía Đông giáp Ấn Độ; Đông Nam giáp Myanmar và phía Nam giáp Vịnh Bengal

· Đặc điểm tự nhiên, khí hậu:Nhiệt đới gió mùa, quanh năm nóng và ẩm. Mùa hè nhiệt độ trung bình từ 24 độ C - 39 độ C; mùa Đông từ 18 đến 23 độ C.

· Diện tích : 143.998 km2 (2009)

· Dân số : 156.050.883

· Ngày Quốc khánh : 26/3/1971

· Tôn giáo : 88,3% dân số theo Hồi giáo, số còn lại theo Ấn Độ giáo (10,5%), Phật giáo (0,6%), Thiên chúa giáo và tín ngưỡng khác (0,6%)…

· Ngôn ngữ : Tiếng Bengali (khoảng 95% dân sử dụng); tiếng Anh được sử dụng rộng rãi

· Đơn vị tiền tệ : Takar

· Tổng thống: Ông Di-lu Ra-man (Zillur Rahman)

Thủ tướng : Bà Sếch Ha-si-na (Sheikh Hasina)

II. Lịch sử:

Băng-la-đét là quốc gia trẻ nhất Nam Á, được thành lập năm 1971. Lịch sử và văn hóa Băng-la-đét gắn liền với lịch sử và văn hoá Ấn Độ. Trước năm 1947, Băng-la-đét là một phần lãnh thổ của tiểu lục địa Ấn Độ (Đông Ben-gal). Sau năm 1947, Băng-la-đét trở thành một bộ phận của Pa-ki-xtan (Đông Pa-ki-xtan). Nước Cộng hoà Nhân dân Băng-la-đét độc lập ra đời ngày 26/3/1971. Sếch Mu-gi-bua Ra-man trở thành Tổng thống đầu tiên của Băng-la-đét.

Thời kỳ 1971-1975, chính quyền Băng-la-đét thi hành chính sách đối ngoại hoà bình, không liên kết tích cực, có quan hệ hữu nghị và hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ, Liên Xô và các nước XHCN, ủng hộ các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân. Sau khi Sếch Mu-gi-bua Ra-man bị sát hại tháng 8/1975, một loạt các cuộc đảo chính và phản đảo chính đã diễn ra, đưa tướng Di-au Rát-man lên làm Tổng thống và khôi phục chế độ đa đảng. Sau khi Tổng thống Di-au Rát-man bị ám sát năm 1981, tướng Hossain Mohammad Ershad làm đảo chính, lên cầm quyền từ 1982-1990.

Sau thắng lợi của phong trào dân chủ vào đầu những năm 1990, Băng-la-đét đã tiến hành ba cuộc tổng tuyển cử (1991, 1996 và 2001) dân chủ và công bằng với sự tham gia của hai đảng lớn là Liên đoàn Nhân dân (AL) và Dân tộc Băng-la-đét (BNP). Vợ góa của Tổng thống Di-au Rát-man, bà Kha-lê-đa Di-a, Chủ tịch đảng BNP đã giành thắng lợi và cầm quyền từ 1991-1996 và từ 2001-2006. Bà Sếc Ha-si-na, Chủ tịch AL và là con gái của cố Tổng thống Sếch Mu-gi-bua Ra-man cũng thắng cử và cầm quyền giai đoạn 1996-2001 và từ đầu 2009 đến nay.

III. Chính trị:

Băng-la-đét theo chế độ dân chủ đa đảng. Từ tháng 9/1991, Băng-la-đét chuyển từ chế độ Tổng thống sang chế độ dân chủ nghị viện.

- Nguyên thủ quốc gia: Đứng đầu Nhà nước là Tổng thống, do Quốc hội bầu ra với nhiệm kỳ 05 năm, chủ yếu mang tính nghi thức.

- Quốc hội (Jatiya Sangsad) là cơ quan lập pháp tối cao gồm 330 đại biểu (30 ghế dành riêng cho phụ nữ), được bầu trực tiếp thông qua Tổng tuyển cử với nhiệm kỳ 5 năm.

- Chính phủ: là cơ quan hành pháp cao nhất. Sau Tổng tuyển cử, Thủ lĩnh một đảng hoặc liên minh các đảng có đa số ghế ở Quốc hội làm Thủ tướng Chính phủ

- Toà án tối cao là cơ quan tư pháp cao nhất.

Các đảng chính trị ở Băng-la-đét:

Băng-la-đét có khoảng 100 đảng phái, trong đó 3 đảng lớn là:

· Đảng Dân tộc Băng-la-đét (BNP)

· Liên đoàn Nhân dân (Awami League, AL)

· Jatiya Party (Đảng Dân tộc).



V. Chính sách đối ngoại:

Các chính phủ gần đây của Băng-la-đét thi hành chính sách đối ngoại hoà bình, không liên kết, hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước, coi trọng tăng cường quan hệ với Ấn Độ và các nước láng giềng Nam Á, thực hiện chính sách hướng Đông, phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á và các nước Châu Á-TBD; đẩy mạnh quan hệ với các nước Hồi giáo; cân bằng và mở rộng quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, các nước Tây Âu, Nhật Bản... Băng-la-đét luôn chứng tỏ mình là nước Hồi giáo ôn hòa; tích cực tham gia vào các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc, đóng góp cho hoà bình và an ninh thế giới.

Băng-la-đét là thành viên của LHQ, Phong trào KLK, Tổ chức các nước Hồi giáo (IOC) và Khối Liên hiệp Anh, Tổ chức hợp tác các nước Nam Á (SAARC), Nhóm hợp tác kinh tế liên khu vực BIMSTEC, Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn đối thoại châu Á (ACD)…Hiện Băng-la-đét đã được chấp thuận làm thành viên ARF vào 2006, đang vận động để tham gia tiến trình hợp tác Á-Âu (ASEM), tổ chức Hợp tác sông Hằng- Mêkông (MGC), Hành lang kinh tế Đông-Tây....

B. QUAN HỆ VIỆT NAM – BĂNG-LA-ĐÉT

I. Quan hệ chính trị ngoại giao:

Giai đoạn 1972 – 1978: Quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp. Ngay sau khi giành độc lập, Băng-la-đét quan tâm theo dõi và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta. Ngày 11/2/1973, Việt Nam và Băng-la-đét chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai bên bắt đầu trao đổi một số đoàn và có một số trao đổi kinh tế, thương mại.

Giai đoạn 1979-1990: Quan hệ hai nước ở mức thấp. Tháng 7/1982, ta rút sứ quán ở Đắc-ca.

Giai đoạn 1990 đến nay: Quan hệ hai bên có nhiều bước phát triển mới quan trọng cả về chính trị và kinh tế. Tháng 11/1993, Băng-la-đét lập Đại sứ quán tại Hà Nội và ta mở lại Đại sứ quán tại Đắc-ca từ tháng 1/2003. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Hai bên đã tiến hành họp UBHH lần đầu tiên tại Việt Nam (6-7/2/2006).

Hai bên đã ký kết 14 Nghị định, thỏa thuận, Hiệp định về hợp tác chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư,...Hai bên hợp tác tốt trên diễn đàn quốc tế như LHQ, Không liên kết, ASEAN...

II. Quan hệ kinh tế- thương mại giữa Việt Nam và Băng-la-đét:

1. Tổng quan nền kinh tế Băng-la-đét:

Băng-la-đét về cơ bản vẫn là nước nghèo, chậm phát triển. Nhờ ổn định chính trị, kinh tế giai đoạn 2001-2005 có nhiều nét khởi sắc với mức tăng trưởng GDP bình quân đạt 5% năm. Năm 2008, kinh tế Băng-la-đét phát triển tương đối ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 6%. Năm 2009, tăng trưởng GDP của Băng-la-đét đạt khoảng 5,6%, lạm phát ở mức 5,2%, giá trị xuất khẩu dự kiến đạt trên 16 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ đạt gần 7,7 tỷ USD.

Cơ cấu kinh tế:

+ Nông nghiệp: Chiếm khoảng 34,7% GDP và thu hút 63% lực lượng lao động, có tốc độ tăng trưởng từ 2,6%-4%/ năm. Về cơ bản, Băng-la-dét đảm bảo đủ lương thực; tổng sản lượng lương thực năm 2007 đạt khoảng 42 triệu tấn. Các nông sản chính là lúa gạo, đay, chè, mía, khoai tây, thuốc lá, bông, hạt có dầu…

+ Công nghiệp: Chiếm 26,1% GDP và thu hút khoảng 12% lực lượng lao động. Tăng trưởng hàng năm đạt trên 7%, riêng năm 2007 đạt xấp xỉ 9,5%. Năm 2009, do ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế thế giới, ước tính tốc độ tăng trưởng công nghiệp Băng-la-đét đạt khoảng 5,9%. Các ngành công nghiệp chính là chế biến đay, đường, chế biến lương thực, dệt, sản xuất phân bón, dược phẩm, xi măng, đồ gốm điện tử v.v...

+ Thương mại: Từ khi tiến hành tự do hoá và mở cửa kinh tế cuối thập kỷ 80 đầu thập kỷ 90, xuất khẩu luôn đạt mức tăng trưởng cao. Năm tài chính 2006-2007 đạt khoảng 11,75 tỷ USD. Năm 2009, xuất khẩu của Băng-la-đét đạt trên 16 tỷ USD. Bắc Mỹ, Tây Âu ( Đức, Anh), Úc, Nhật là các thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm trên 60% thị phần. Các mặt hàng chính là quần áo may sẵn, nông sản, đông lạnh (đặc biệt là tôm), dược phẩm, đồ gốm, điện tử, đồ thủ công, chè, đay, đồ da… Nhập khẩu cũng tăng trên 10% hàng năm. Sản phẩm nhập khẩu chính là: máy móc thiết bị, hóa chất, sắt thép, dầu thô và các sản phẩm từ dầu, xi măng, gạo, mì, sữa, thực phẩm, đường, bông thô…

+ Đầu tư nước ngoài: Có xu hướng tăng trong giai đoạn BNP cầm quyền (năm 2006, đạt 2,5 tỷ USD). Liên minh châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản chiếm 60%, các nước Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á chiếm 35,79%.

+ Viện trợ và nợ nước ngoài: Từ khi độc lập đến nay, tổng số viện trợ nước ngoài đạt 30,5 tỷ USD (49% là viện trợ không hoàn lại và 51% là cho vay). Nợ nước ngoài hiện vào khoảng 21,23 tỷ USD.

+ Xuất khẩu lao động: Đây là thế mạnh của Băng-la-đét. Hiện có khoảng 2 triệu lao động Băng-la-đét làm việc ở nước ngoài, mỗi năm chuyển về nước khoảng 3 tỷ USD; năm 2007 đạt tới 5,6 tỷ USD.

2. Số liệu kinh tế năm 2009 của Băng-la-đét:

· GDP: 92,12 tỷ USD

· GDP bình quân đầu người: 590,5 USD

· Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 18,7%, công nghiệp 28,7%, dịch vụ 52,6%

· Kim ngạch xuất khẩu: 15,91 tỷ USD

· Kim ngạch nhập khẩu: 20,22 tỷ USD

3. Tình hình kinh tế - thương mại giữa Việt Nam- Băng-la-đét trong thời gian gần đây:

Quan hệ thương mại Việt Nam- Băng-la-đét tuy chưa nhiều nhưng đang phát triển theo chiều hướng tốt. Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước năm 2007 đạt 47,4 triệu USD, năm 2008 đạt 64,7 triệu USD, tăng 36%. Năm 2009 đạt 82 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Băng-la-đét năm 2009 đạt 59,4 triệu USD, tăng 26,4% so với năm 2008. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là : vải, dây cáp điện, phân ure, sắt thép các loại, sợi các loại, gạo, máy móc thiết bị phụ tùng….Trong đó, mặt hàng vải sợi chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Băng-la-đét năm 2009 xuất khẩu đạt 11,7 triệu USD, sắt thép các loại đạt 10 triệu USD, vải các loại đạt 9,9 triệu USD, hàng hóa khác đạt 8,1 triệu USD…..

Về nhập khẩu năm 2009 đạt 22,6 triệu USD, tăng 28% so với năm 2008. Một số mặt hàng chủ yếu nhập khẩu từ Băng-la-đét như : nguyên phụ liệu dệt may da giầy, nguyên phụ liệu thuốc lá, sắt thép các loại, đay thô, tân dược, chất dẻo nguyên liệu, vải sợi….Trong đó, phân u-rê đạt 5,8 triệu USD, nguyên phụ liệu dệt may và da giầy đạt 4,2 triệu USD, tân dược đạt 3,9 triệu USD ……

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Băng-la-đét thời kỳ từ 2005- 2009

Đơn vị: triệu USD

Năm

Tổng kim ngạch

Xuất khẩu

Nhập khẩu

2005

53,97

22,320

31,653

2006

48,24

21,45

26,79

2007

47,38

24,84

22,54

2008

64,67

47

17,67

2009

82

59,4

22,6

Nhìn chung, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Băng-la-đét còn chưa phát triển mạnh. Hai bên đang phấn đấu đưa hợp tác kinh tế, thương mại cũng như trên các lĩnh vực khác như nông - ngư nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, tài chính, ngân hàng, văn hóa, giáo dục-đào tạo, du lịch, y tế…lên tương xứng với quan hệ chính trị.

4. Các Hiệp định Việt Nam đã ký với Băng-la-đét:

- Hiệp định vận chuyển hàng không (1993);

- Hiệp định hợp tác kinh tế và khoa học-kỹ thuật (1994);

- Hiệp định thương mại (1996);

- Hiệp định văn hoá (1997);

- Hiệp định thành lập Uỷ ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật (1997);

- Hiệp định hợp tác giữa Thông tấn xã Việt Nam và Hãng thông tấn Băng-la-đét (1997);

- Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao, công vụ (1999);

- Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (2004);

- Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (05/2005);

- Nghị định thư về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp (2004);

- Nghị định thư về chương trình trao đổi văn hoá giai đoạn 2004-2007 (2004);

- Thoả thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam và Liên đoàn các Phòng Thương mại-Công nghiệp Băng-la-đét (1997);

- Thoả thuận hợp tác về phát triển nguồn nước và kiểm soát lũ lụt (1999);

- Bản ghi nhớ về tham khảo chính trị giữa hai Bộ ngoại giao (1994);

Hà nội, tháng 02 năm 2010

TTNN



0 nhận xét:

Đăng nhận xét