Chương trình đưa giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề đi đào tạo tại Malaysia đang được thí điểm đã bộc lộ nhiều bất cập.
Lớp học chật chội, nhếch nhác - Ảnh: do các giáo viên cung cấp |
Đây là chương trình trong Đề án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế giai đoạn 2012 - 2015 (gọi tắt Quyết định 371) vừa được Chính phủ phê duyệt cuối tháng 2.2013.
|
Đi đào tạo nước ngoài bằng visa du lịch
Được cử đi nước ngoài đào tạo nâng cao tay nghề tại Malaysia theo chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề, 142 giáo viên đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước phải nói dối là đi du lịch! Quá bức xúc, mới đây một số thành viên trong đoàn đã lên tiếng. Anh Lưu Văn Hải, Trưởng khoa Điện tử - Viễn thông, Trường CĐ Công nghiệp Vĩnh Phúc cho biết, khi nhập cảnh Malaysia bằng visa du lịch, các giáo viên trong đoàn phải đón nhận những ánh mắt soi mói và thái độ khó chịu của nhân viên hải quan. Điều đáng nói ở đây, hầu hết các giáo viên được tuyển chọn là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia, sang Malaysia để tiếp thu nâng cao trình độ tiên tiến. Song theo phản ánh của các giáo viên trong đoàn một số cơ sở đào tạo còn nghèo nàn hơn cơ sở của một số trung tâm giáo dục thường xuyên ở Việt Nam.
Giấy thông hành tạm thời - Ảnh: do các giáo viên cung cấp |
Theo quyết định cử đi đào tạo nước ngoài 4 tháng (từ 27.12.2012 - 27.4.2013), tuy nhiên, các giáo viên cho hay, hộ chiếu đã hết hạn, đến ngày 20.4 sẽ phải về nước. Hiện không ai dám ra đường vì sợ cảnh sát bắt. Anh Lưu Văn Hải bộc bạch: “Chúng tôi lại đi học mà không dám nói là đi học. Chúng tôi chạnh lòng khi thấy rằng đất nước mình đã phải bỏ ra một lượng tiền không nhỏ cho chúng tôi đi học, vậy mà chúng tôi không có lấy một chút tự hào nơi nước bạn, thật là xấu hổ và thấy tiếc tiền của nhân dân”.
|
Tổng cục Dạy nghề có vô can?
Trong khi các giáo viên đều khẳng định họ đi theo chương trình mục tiêu quốc gia, song khi phản ánh thông tin tới Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB -XH), ông Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng tỏ ra bất ngờ và ngạc nhiên. “Đoàn cán bộ trên, chắc là đi theo chương trình thí điểm của địa phương. Việc các địa phương tổ chức đi cùng một lúc có thể do quan hệ khai thác với đối tác nước ngoài hoặc các địa phương kết hợp tổ chức qua Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC), đây là tập đoàn giáo dục, không liên quan đến Tổng cục Dạy nghề. Do đó, 142 giáo viên này là của các địa phương, không phải do tổng cục tổ chức”, ông Sâm khẳng định.
Dù cho lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề phủ nhận không liên quan, song trong biên bản ghi nhớ ngày 23.8.2011, Tổng cục Dạy nghề và Tập đoàn giáo dục Seg (Malaysia) và Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC) đã thỏa thuận hợp tác trong các chương trình đào tạo nghề. Các lớp đào tạo tại Malaysia sẽ do Tập đoàn giáo dục Segi (một thành viên của Tập đoàn Seg) tổ chức. Theo đó, Công ty AIC sẽ có trách nhiệm đưa các học viên sang Malaysia, liên kết với Trường đại học Segi và tổ chức các lớp học cho các giáo viên.
Tại Vĩnh Phúc, nơi có số giáo viên được cử đi học đông nhất (42 người), trái với những gì ông Cao Văn Sâm nói, trao đổi với báo chí ngày 16.4, ông Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Vĩnh Phúc lại một mực cho rằng, tất cả các bước từ nghiên cứu, lựa chọn, từ chương trình kế hoạch đều từ Tổng cục Dạy nghề. Còn địa phương chỉ phối hợp thực hiện. “Đây là chương trình mục tiêu quốc gia, cơ quan chủ quản là Tổng cục Dạy nghề tiến hành. Chúng tôi ở địa phương, khi họ yêu cầu thế nào, triển khai như thế, tiêu chí ra làm sao, thông báo cho các tỉnh. Tỉnh thực hiện theo kế hoạch, có trách nhiệm lựa chọn đối tượng tham gia lớp học, giáo viên thế nào, đúng tiêu chuẩn chưa... Còn tiền hoàn toàn từ ngân sách T.Ư”, ông Dũng nói.
Về phản ánh của giáo viên điều kiện học tập, sinh hoạt không đảm bảo, ông Phạm Ngọc Luyến, Phó giám đốc sở cho biết thêm: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào chương trình của Bộ. Trước khi ký hợp đồng với tỉnh, AIC cung cấp bộ hồ sơ đầy đủ năng lực, trong đó có văn bản ghi nhớ giữa Công ty AIC và Tổng cục Dạy nghề của Bộ, AIC có cả buổi tư vấn, Trường ĐH Segi, tất cả quy trình chúng tôi đều báo cáo Tổng cục Dạy nghề và tổng cục đều thẩm định chương trình khung”.
Trong tài liệu chúng tôi có được, tỉnh có đông học viên như Vĩnh Phúc ngân sách phân bổ năm 2012 là 13,5 tỉ đồng. Còn tỉnh Quảng Ninh, có 18 học viên số tiền ngân sách là 5 tỉ đồng. Nếu cộng cả 15 tỉnh thành, số tiền ngân sách bỏ ra thực hiện đề án không nhỏ. Do vậy, việc khảo sát, giám sát, theo dõi chương trình cho chặt chẽ, tránh lãng phí tiền ngân sách nhà nước là điều rất cần thiết.
Theo đề án trên, giai đoạn 2012 - 2015 Việt Nam sẽ đưa 1.700 cán bộ, giáo viên đi đào tạo tại nước ngoài. Trong đó, bồi dưỡng 1.400 giáo viên ở nước ngoài; 300 cán bộ quản lý dạy nghề thuộc 26 trường chất lượng cao ở nước ngoài. Mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề về kỹ năng, trình độ tiếng Anh và các kỹ năng mềm trong quản lý đào tạo theo tiêu chuẩn các nước tiên tiến trên thế giới và ASEAN.
|
Thu Hằng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét