CSGT đeo biển hiệu khi làm nhiệm vụ: Người dân ủng hộ
Những ngày này, có mặt tại các
tuyến phố ở Hà Nội, dễ dàng bắt gặp hình ảnh cán bộ, chiến sĩ CSGT trên
ngực trái gắn một biển hiệu màu xanh! Đây chính là biển hiệu được áp
dụng cho các cán bộ CSGT theo Thông tư 45 có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.
Thông tư 45/2012/TT-BCA
ra ngày 27/7/2012 và có hiệu lực từ 1/1/2013 quy định về biển hiệu và
Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông (TTKSGT) đường
bộ ra đời đã nhận được sự hưởng ứng của người dân cũng như hiệu quả
trong công tác tuần tra kiểm soát trên toàn quốc.
14h15 ngày 14/1, Trung tá Lê Văn Minh, cán bộ Đội CSGT số 2, Phòng CSGT
đường bộ – đường sắt (CATP Hà Nội) làm nhiệm vụ tại ngã tư Điện Biên Phủ
– Trần Phú ngừng tay điều tiết giao thông cho biết, anh cũng như đồng
nghiệp đảm trách nhiệm vụ TTKSGT khác trong Đội sau khi tham gia lớp tập
huấn do Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (CATP Hà Nội) tổ chức đã được
cấp biển hiệu và Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông
đường bộ.
Theo đó, mỗi khi ra đường TTKS, điều tiết giao thông, anh cũng như các
cán bộ, chiến sĩ trong Đội đều phải đeo biển hiệu và mang theo giấy
chứng nhận trên. Cũng theo Trung tá Minh, việc gắn biển hiệu trên giúp
người dân hiểu thêm về các thông tin liên quan đến cán bộ CSGT làm nhiệm
vụ như: ảnh, chức vụ, số hiệu, đơn vị quản lý…
Kể từ ngày 1/1/ 2013, khi tuần tra kiểm soát giao thông, Cảnh sát giao thông phải đeo biển hiệu bên ngực trái.
Đúng như Trung tá Lê Văn Minh chia sẻ, 14h30 cùng ngày, tại nút giao
thông này, chúng tôi chứng kiến anh Lê Trọng Thiểu, điều khiển môtô mang
BKS 30H6-5540 vi phạm lỗi: không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của vạch
kẻ đường sau khi bị cán bộ CSGT làm nhiệm vụ tại đây, kiểm tra, lập biên
bản xử lý vi phạm hành chính thay vì hỏi tên, đơn vị chủ quản bằng việc
xem kỹ biển hiệu của đồng chí Minh. Anh Thiểu cho hay: “Nhìn biển hiệu
đeo trên ngực của cán bộ là mình biết đồng chí ấy ở đâu, chức vụ là gì
rồi, nên không cần hỏi lại nữa”.
Trao đổi với đại diện Cục CSGT đường bộ – đường sắt (Bộ Công an), chúng
tôi được Đại tá Nguyễn Kim Hải – Quyền Trưởng phòng Hướng dẫn và tổ chức
tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cho biết, theo Thông tư 45/2012/TT-BCA,
kể từ ngày 1/1/2013, Giấy chứng nhận Cảnh sát TTKSGT đường bộ đã cấp
cho cán bộ theo quy định tại Thông tư số 60/2009/TT-BCA ngày 29/10/2009
của Bộ Công an quy định về Quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi
phạm hành chính của CSGT đường bộ không còn giá trị sử dụng.
Cục CSGT đường bộ – đường sắt, Công an tỉnh trong phạm vi quản lý có
trách nhiệm thu hồi Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao
thông đường bộ đã cấp cho cán bộ theo quy định tại Thông tư số
60/2009/TT-BCA. Ngay sau khi Bộ ra Thông tư 45/2012/TT-BCA, Tổng cục CSQLHC về TTATXH (Bộ Công an) đã có Kế hoạch số 2662/C61-C67 thực hiện thông tư này.
Theo đó quán triệt đến thủ trưởng các đơn vị TTKSGT và 100% cán bộ,
chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao
thông đường bộ nắm vững và thực hiện nghiêm túc về nghiệp vụ và pháp
luật trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính; quy
định việc cấp, đổi, thu hồi, quản lý, sử dụng biển hiệu, Giấy chứng nhận
Cảnh sát TTKSGT đường bộ.
Và đến nay, lực lượng CSGT các tỉnh thành đã được tập huấn và cấp biển
hiệu và Giấy chứng nhận Cảnh sát TTKSGT đường bộ theo đúng quy định nhằm
tạo chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu quả công tác TTKS, góp phần bảo
đảm TTATGT, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ.
Về “điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ được cấp biển hiệu và Giấy chứng nhận
Cảnh sát TTKSGT đường bộ,Đại tá Nguyễn Kim Hải cho biết, cán bộ được cấp
biển hiệu, Giấy chứng nhận Cảnh sát TTKSGT đường bộ nếu là cán bộ được
đào tạo chuyên ngành CSGT phải được tập huấn về công tác tuần tra, kiểm
soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ; có sức khỏe, phẩm chất đạo đức
tốt. Còn đối với cán bộ không đào tạo chuyên ngành CSGT thì phải có
trình độ trung cấp CAND hoặc tương đương trở lên…; đã được tập huấn về
công tác TTKS trong lĩnh vực giao thông đường bộ; có sức khỏe, phẩm chất
đạo đức tốt; có thời gian công tác trong lực lượng CSGT từ một năm trở
lên.
Cũng theo Đại tá Hải, lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm
soát giao thông đường bộ bắt buộc phải có biển hiệu cũng như Giấy chứng
nhận Cảnh sát TTKSGT do cơ quan có thẩm quyền cấp. Nếu trong quá trình
làm nhiệm vụ TTKSGT, CBCS CSGT không đeo biển hiệu này trên ngực trái
thì coi như vi phạm.
Mặt khác, trong quá trình làm nhiệm vụ, bên cạnh việc đeo biển hiệu, cán
bộ CSGT cũng phải mang theo Giấy chứng nhận TTKS trong lĩnh vực giao
thông đường bộ để xuất trình khi có yêu cầu.
Theo Thông tư 45/2012/TT-BCA, các trường hợp thu hồi biển hiệu, Giấy chứng nhận khi:- Có quyết định điều chuyển ra khỏi lực lượng CSGT đường bộ.- Nghỉ hưu, thôi việc theo chế độ.
- Bị xử lý kỷ luật không bố trí làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
- Sử dụng biển hiệu hoặc Giấy chứng nhận sai mục đích (như dùng để cầm cố, vay mượn tiền, tài sản; cho thuê, cho mượn…).
- Bị tước danh hiệu CAND.
|
Trung tá Nguyễn Văn Đức – Đội trưởng Đội CSGT số 2, Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (CATP Hà Nội) cho hay, kể từ khi quy định về biển hiệu và Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ có hiệu lực đến nay, đơn vị chưa nhận được bất cứ một phản ánh về sự bất hợp lý của Thông tư từ phía người dân. Trước ngày 1/1/2013 – tức thời điểm Quy định về biển hiệu và Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ có hiệu lực, Đội đã cử cán bộ theo học lớp tập huấn do Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (CATP Hà Nội) tổ chức. Những nội dung tập huấn bao quanh các quy định của Thông tư 45/2012/TT-BCA và nghiệp vụ TTKS, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ v.v..Anh Hoàng Văn Tuyến, 32 tuổi, ở Đa Tốn, Gia Lâm (Hà Nội) điều khiển xe máy mang BKS 29R6-3655: Tôi nghĩ quy định này nên có từ lâu, vì nó sát với thực tiễn và khả dụng trong thực tế. Nói vậy là vì, việc CSGT có gắn biển hiệu xanh, in rõ hình ảnh, chức vụ, đơn vị quản lý, số hiệu CAND… sẽ tạo sức răn đe đối với các đối tượng đang có ý định giả danh CSGT để lừa đảo người vi phạm TTATGT. Bên cạnh đó, quy định này cũng giúp cán bộ chiến sĩ CSGT hiểu rõ hơn về công việc của mình, tránh tình trạng lạm quyền dừng xe không đúng quy định. |
Theo Trần Huy (Công an Nhân dân)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét