Vũ điệu Thiên thủ quan âm - Phật bà nghìn mắt nghìn tay

Vũ điệu Thiên thủ quan âm - Phật bà nghìn mắt nghìn tay


Do 21 diễn viên múa câm điếc thể hiện đã khiến hơn 10 vạn người xem rung động bởi sức hấp dẫn kỳ lạ.

Tiết mục Thiên thủ quan âm được bình chọn là tiết mục được khán giả cả nước yêu thích nhất.

Vượt qua ranh giới của nghệ thuật

Thiên thủ quan âm có tổng cộng 3 phiên bản. Phiên bản đầu tiên được lưu diễn tại Mỹ vào năm 2000, có 12 diễn viên. Phiên bản thứ hai với sự góp mặt của 12 diễn viên nữ và 9 diễn viên nam được biểu diễn tại Thế Vận hội Athens.

Dạ hội mừng xuân 2005 là phiên bản thứ ba, đánh dấu sự thay đổi lớn, động tác phức tạp hơn, nhịp điệu tăng nhanh hơn. Tiết mục dài 5 phút 54 giây, 21 diễn viên nhìn theo bàn tay ra dấu của 4 giáo viên để múa khớp theo nhạc.

Họ đều không nghe được tiếng nhạc, không nắm bắt được giai điệu, không có cách nào để phân biệt giữa âm thanh và im lặng nhưng bằng cảm ngộ riêng các diễn viên đã thực hiện mọi động tác một cách chuẩn xác và đầy sáng tạo.

Tiết mục kết thúc mà nhiều người xem còn chưa kịp bừng tỉnh, ngay cả tổng đạo diễn chương trình đêm đó dù đã tham dự buổi tổng duyệt vẫn không khỏi thảng thốt. Một bầu không khí tâm linh bao trùm, vượt qua ranh giới của nghệ thuật.

Thiên thủ quan âm quy tụ diễn viên 11 tỉnh thành như Thượng Hải, Phúc Kiến, Cam Túc, Cáp Nhĩ Tân... Tuổi trung bình của diễn viên khoảng trên dưới 17, người nhỏ tuổi nhất 13. Đại bộ phận khiếm thính. Cá biệt một vài trường hợp đeo máy trợ thính để có thể cảm nhận được những chấn động của âm thanh.

Đài Lệ Hoa mang lại ấn tượng tinh khiết và hoàn mĩ cho điệu múa Đài Lệ Hoa - Gương mặt xuất hiện nhiều nhất trong tiết mục - dùng tay trả lời câu hỏi của các phóng viên: “Ngay sau khi tiết mục kết thúc, khán giả đồng loạt đứng dậy vỗ tay hoan hô. Nhiều khán giả không tin chúng tôi bị câm điếc, càng không tin những diễn viên câm điếc có thể biểu diễn một cách uyển chuyển, đẹp mắt đến thế”.

Trong đợt biểu diễn này, nhóm diễn viên khiếm thính đã hạ quyết tâm rất cao. Trong phòng tập của họ dán đầy lịch tập luyện và những khẩu hiểu tự cổ vũ như “mỗi giây thêm đặc sắc, một phút không bỏ phí”.

Hàng ngày, các thành viên dậy từ 6 giờ sáng để chạy bộ, tập luyện nghiêm túc cho tới ngày biểu diễn chính thức. Nhiều khi, có diễn viên khát mà không dám uống nước, đi tiểu vì sợ ảnh hưởng đến quá trình luyện tập.

Với các giáo viên chỉ đạo múa, nhóm diễn viên vừa đáng yêu vừa đáng trọng. Chứng kiến các em vất vả nỗ lực gấp trăm lần người thường, thầy cô không khỏi đau lòng.

Họ đều hy vọng ngày càng có nhiều diễn viên tàn tật, bằng nỗ lực của bản thân khẳng định chính mình, nhận được tình cảm yêu mến quan tâm từ cộng đồng.

Câu chuyện về người vũ nữ chính.

Năm lên 2 tuổi, sau một đợt sốt cao, Đài Lệ Hoa (ĐLH) bắt đầu sống trong thế giới không âm thanh. Nhưng mãi đến năm 5 tuổi, lần đầu tiên đi nhà trẻ cùng các bạn chơi đùa, cô mới nhận ra bản thân mình không giống những người khác.

Nghe lời mẹ, cô bắt đầu học phát âm và học nói, không muốn bị những người bạn xung quanh phân biệt đối xử, vì bản thân cô vẫn có thể phát âm, không bị câm hoàn toàn.

Năm lên 7, ĐLH vào học ở trường dành cho người khuyết tật. Tới năm 15 tuổi cô mới bắt đầu học múa. Vì không nghe được, cô chỉ có thể nhìn theo tay thầy ra hiệu và bằng cảm nhận riêng của mình để múa. Cùng thời gian, ước mơ được vào đại học ngày một trỗi dậy.

Trong 3 năm liền, cô vừa đi tập, đi diễn, tối về KTX ôn bài, chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Người thường khó có thể một lúc làm tốt hai việc, với cô lại càng khó bội phần. Nhưng ĐLH đã không chùn bước, cuối cùng cô thi đỗ vào Học viện Nghệ thuật Hồ Bắc, chuyên ngành thiết kế nội thất.

Vào đại học, bất luận trên phương diện học tập hay sinh hoạt, ĐLH đều cảm thấy vô cùng lạ lẫm. Từ nhỏ tới lớn cô sống trong trường dành cho người khuyết tật, giáo viên lên lớp giảng bài dùng tay ra dấu, học sinh trao đổi với nhau cũng dùng tay ra dấu.

Giờ đột ngột thay đổi môi trường, không có bất kỳ ai biết dùng thủ ngữ, ĐLH phải chịu một áp lực vô cùng lớn. Vì không nghe được thầy giảng bài, cô chọn ngồi ở hàng ghế đầu tiên, chú ý nhìn vào hình môi thầy khi nói và bảng đen, hết tiết liền chủ động mượn vở bạn bè để bổ sung, về tới KTX ôn lại bài học.

Ngoài ra cô phải xem trước bài mới của ngày hôm sau. Cứ như thế, cuối cùng ĐLH đã có trong tay bằng cử nhân và là một trong những học sinh ưu tú của trường. Năm 2002 cô kết hôn. Hiện nay cô vừa là diễn viên múa, vừa làm công tác giảng dạy tại trường nghệ thuật của người khuyết tật.

Với một tâm hồn không mặc cảm, ĐLH và những người bạn đã thành công. Thiên thủ quan âm của họ nhận được nhiều bằng khen và giải thưởng của nhà nước cũng như quốc tế. Nhiều bài báo ngợi khen họ.

Nhiều phóng sự nói về họ. Hơn hết thảy, chính họ, những con người dù khiếm thanh, khiếm thính vẫn can đảm cống hiến cho nghệ thuật, mở ra cơ hội mới cho những người tàn tật được sống lạc quan, hoà nhập với đời.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét